Trương Văn Ý
1935.
Hoạ sĩ Trương Văn Ý sinh năm 1935 tại Chợ Lớn, Sài Gòn. Ông từng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia định khoá 1957-1959. Ông cũng là giảng viên và có giai đoạn làm Hiệu trưởng của chính ngôi trường này, tham gia đào tạo các thế hệ hoạ sĩ phía Nam trong nhiều năm.
Hoạ sĩ Trương Văn Ý vốn là một học trò yêu của hoạ sĩ Hiệu trưởng Lê Văn Đệ - người tốt nghiệp thủ khoa khoá đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông dương ở nước ta. Thầy giáo Lê Văn Đệ là người đã để ý kèm cặp và gợi ý hướng phát triển tài năng của chàng sinh viên trẻ Trương Văn Ý, người có rất nhiều triển vọng trong tranh Lụa. Hoạ sĩ Trương Văn Ý tâm sự: “Cách vẽ lụa này là theo trường phái của ông Lê Văn Đệ. Nếu như trường phái của ông Nguyễn Phan Chánh là vẽ thẳng thì của ông Văn Đệ là vẽ, rửa. Thành ra nếu để ý kĩ sẽ thấy tranh lụa của tôi vẽ không còn chất bột màu mà là nhuộm lụa”.
Lúc mới tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Gia định năm 1959, hoạ sĩ Trương Văn Ý được giữ lại làm giảng viên bộ môn In ấn Thạch bản. Với rất nhiều trải nghiệm độc đáo ở sự pha trộn kỹ thuật sử dụng mầu, dầu, nước để in các độc bản trên lụa hay giấy ở giai đoạn này đã được ghi nhận ở hàng loạt tác phẩm trìu tượng tham dự Triển lãm quốc tế về hội hoạ tổ chức tại Sài gòn năm 1962. Hoạ sĩ Trương Văn Ý cũng là người chịu khó tìm hiểu và học hỏi về kỹ thuật bồi biểu giấy hay lụa để phục vụ việc bảo tồn lâu dài cho các tác phẩm vẽ trên lụa. Đây cũng là một đóng góp đáng kể của ông với vai trò Hiệu trưởng phụ trách việc đào tạo và truyền dạy cho các thế hệ hoạ sĩ trẻ tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia định sau này.
Hoạ sĩ Trương Văn Ý bày tỏ: “Nếu vẽ một bưc sơn dầu chừng vài ba ngày là vẽ xong, nhưng vẽ lụa tôi phải vẽ một tháng. Bởi vẽ rồi rửa rồi lại rửa tiếp, rồi để khô và lồng giấy trắng đằng sau để coi sắc độ đã được chưa, rồi lại vẽ tiếp. Rửa 5 lần 7 lượt như vậy cả tháng mới xong một bức”.
Trong suốt gần bốn năm 1962-1966, hoạ sĩ Trương Văn Ý tập trung vào sáng tác những đề tài mang đậm hồn quê đất nước. Đời sống thôn quê với những dáng hình thiếu nữ quen thuộc, phong cảnh làng quê hữu tình với màu sắc tươi sáng rực rỡ. Hoạ sĩ Trương Văn Ý còn đi sâu vào thể hiện những giá trị tinh thần đạo đức ẩn chứa ở nhiều hình ảnh quen thuộc với tâm thức người Việt. Những bộ tranh như “Công – dung – ngôn – hạnh”, “Cầm kỳ thi hoạ” hay “Tứ đức” tạo sức mê hoặc cho người xem.
Dường như Trương Văn Ý tạo cho mình một phong cách riêng qua từng nét bút phóng túng nhẹ nhàng, hoà sắc đậm nhạt như ảnh hưởng của lối vẽ thuỷ mặc phương Đông nhưng cũng kết hợp nhuần nhuyễn với kỹ thuật bút pháp phương Tây. Hoạ sĩ Trương Văn Ý bày tỏ: “Thật ra tôi vẽ lụa thường lấy đề tài cổ xưa, ví dụ như bức thầy đồ, hay bức công, dung, ngôn, hạnh đều theo lối cổ xưa. Hay mấy cảnh chợ quê, trẻ con… tôi vẽ theo lối tranh dân gian của miền Bắc, thành ra cảnh vật mang hơi hướng làng quê miền Bắc Việt Nam”.
Còn hoạ sĩ Trần Khánh Chương, chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: “Cách vẽ của hoạ sĩ Trương Văn Ý nằm trong dòng tranh lụa phong cách các hoạ sĩ Đông Dương thế hệ xưa, sau này hướng dẫn cho các thế hệ sau. Đó là lối vẽ theo kiểu nhuộm lụa. Ở tranh của Trương Văn Ý, ngoài tranh thiếu nữ lại có dòng kiểu miền Nam, thôn quê, kiểu cụ đồ ngày xưa. Cái đó không chỉ Trương Văn Ý mà nhiều hoạ sĩ miền Nam đã khai thác. Họ đã khai thác theo cách mà ở ngoài Bắc ít khai thác khía cạnh đó. Chẳng hạn như hình ảnh học hành của ngày xưa, hình ảnh mẹ con, thiếu nữ ngày xưa, cái đó rất phổ biến trong Nam và thời kỳ trước năm 1975. Sau năm 1975 tuổi ông cũng đã tương đối rồi nên ông vẫn giữ được mạch đó.”
Đối với đề tài tranh chân dung, hoạ sĩ Trương Văn Ý nổi tiếng với những bức tranh về các nhân vật lịch sử ông tâm đắc. Năm 2018, nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, ông đã giới thiệu đến công chúng hơn 100 bức tranh chân dung ông vẽ tặng các soạn giả, đạo diễn nghệ sĩ sân khấu cải lương. Tranh chân dung của ông thiên về miêu tả cốt cách từ sự định hình về tính cách ở họ, hơn là sự diễn tả tâm tư riêng biệt như bức chân dung.
Dù rằng bây giờ không còn sáng tác trên tranh lụa nữa bởi hai mắt đã kém đi rất nhiều nhưng trong câu chuyện của mình, hoạ sĩ Trương Văn Ý vẫn luôn giữ niềm lạc quan, hào sảng khi kể về những kỷ niệm trong suốt 60 năm ông đã đóng góp cho mỹ thuật Việt Nam…