top of page

GIỮ NGHỀ GIA TRUYỀN, LỬA VẪN CHÁY TRONG LÒ LẪN TRONG TIM

Updated: Jan 27, 2023

"Không còn ai làm nữa đâu", sau đó là cái xua tay đầy phũ phàng... vậy là đã một thời gian rất lâu chúng tôi cố gắng đi tìm lại lò gốm xưa, nơi vẫn còn giữ lại những kỹ thuật về men, về đắp gốm bằng tay đầy công phu mà cha ông đi trước đã truyền lại, đi mãi nhưng không thấy. Không lẽ thất truyền rồi sao?

 


May thay, chúng tôi gặp được một quý nhân, một người chuyên nghiên cứu và sưu tầm gốm có tiếng ở Chợ Lớn. Anh đã tận tình chỉ dẫn chúng tôi vào xem một lò gốm lâu năm, may sao vẫn còn giữ lại tay nghề làm gốm xưa kia, vốn đã vang danh khắp Nam Kỳ. gặp được anh, chúng tôi như tìm được kho báu!



Trong suốt quá trình chơi và sưu tầm đồ gốm, quả thật vất vả và chông gai, không ít lần chúng tôi mua phải những loại gốm kém chất lượng của gian thương. Họ giả theo đủ kiểu từ bỏ lên nóc nhà cho gốm nứt, bôi nhớt, phơi nắng mưa, dìm xuống sông... đủ cả. Nhưng điều chúng tôi luôn trăn trở không phải là tìm gốm cổ, mà là "Liệu có ai còn lòng yêu nghề để giữ lại không?", điều đó còn quan trọng gấp trăm lần, quý giá gắp trăm lần cảm xúc tìm thấy gốm xưa. Vì một khi không còn ai bảo tồn, không ai có nhu cầu mua gốm mới, chắc chắn họ sẽ bỏ lò, bán đất, đi mất một làng nghề xưa.


Trăn trở giữ nghề



Tôi gặp anh trong một ngày nắng gắt, đi lên con đồi được lắp đầy bởi những mãnh vỡ của hàng ngàn sản phẩm hư hao trong quá trình sản xuất. Hai bên là các lò củi, nhưng không còn củi nữa vì lò hiện nay đã bị cấm đốt bằng củi do yếu tố bảo vệ môi trường. Lò chỉ vọn vẹn 3 nhân công, anh, con trai anh và một chị làm tính công theo ngày. Ai cũng cặm cụi, người nặn đất, người quét men, người chuẩn bị đưa sản phẩm vào lò ga.


Anh tâm sự "Lò tôi không lấy mắc đâu mấy chú, nhìn kìa, mấy cái vẩy rồng này là vo từng viên đất, rồi đắp lên, lưng rồng ngàn cái vẩy là phải nặn hàng ngàn viên đất tròn trịa bằng nhau tăm tắp. Mấy đoạn nhiều lớp chồng lên nhau, bỏ vô lò nung chung rất dễ dính rồi nổ hết một mẻ. Cả ngày ba người làm được một sản phẩm, nó hư là tiếc lắm!". Nói đoạn anh chỉ vào tư liệu mà anh sưu tầm từ xưa đến nay để nghiên cứu mẫu. Anh nói thêm "con tôi nó theo lâu mà còn chưa lên làm men được, nghề này khó lắm, xưa tôi làm hòn non bộ hồ cá nhưng mê gốm Cây Mai nên tôi đi học nghề rồi nghiên cứu, mà đâu ai cũng biết cái này quý, cái này đẹp đâu!"


Cực vậy chứ mà có khi ôm hàng, vì lò mình đâu có sản xuất công nghiệp, cũng đâu có đơn hàng nước ngoài có khi muốn dẹp lò luôn cho rồi!


Công sức khó đong đếm được



Nhà anh có truyền thống làm gốm lâu đời ở vùng đất này, có đến 5-6 anh em nhưng có mỗi gia đình anh đủ cái tâm theo nghề. Ai cũng vì cơm áo gạo tiền mà bỏ cả! Cả một thời gian người ta chuộng đồ nhôm, sành, sắt vì nó nhẹ, bền và khó vỡ.


Gắn bó hơn 2 đời, cả làng làm gốm giờ còn lại tầm 2 lò còn hoạt động và bám trụ với nghề "đắp đất thổi hồn". Công đoạn nào cũng phải đúng kỹ thuật, tỉ lệ phải hài hoà, chuốt đều và công phu, tỉ mẩn lắm mới tạo ra được một sản phẩm trọn vẹn.


Để có được một tác phẩm vừa thanh, màu lên vừa đẹp, anh phải thận trọng trong từng công đoạn và đôi khi cũng "hên xui" phụ thuộc vào thời tiết và chất đất ngày càng khan hiếm. Có những sản phẩm rất đẹp và có hồn mà anh để làm mẫu, chúng tôi có ý đặt mà do không còn "đất tốt" để làm, nên anh không dám nhận. Trong thời thị trường và công nghiệp hoá, mỗi xưởng sản xuất hàng trăm sản phẩm bằng phương pháp đút, đổ khuôn, thì lò anh vẫn chỉ làm đủ 1-2 sản phẩm/ ngày. Nhưng thành phẩm quả là đẹp ngoài sức tôi tưởng tượng.


Tay nghề cha ông tinh xảo là thế, nhưng hiện nay khó mà có sản phẩm còn toàn vẹn, tượng thờ cúng thì cũng đã qua biết bao đời, bao nhiêu thăng trầm, khai quan cả nên đôi khi tôi cũng không dám thỉnh về. May sao có anh, tôi có thêm niềm tin và sẽ làm mọi cách để có thể hỗ trợ, để anh và thế hệ sau tiếp tục giữ nghề truyền thống quý báu này.



LỤA LÀ ARTSPACE & GALLERY

189C/4 Nguyen Van Huong St - Ward ThaoDien - District2. 0916170970.









Comments


bottom of page