Xuất thân từ gia đình với nghề sơn truyền thống, Bùi Hữu Hùng nhanh chóng nắm bắt các bí quyết trong lĩnh vực này để trở thành một họa sỹ nổi tiếng-chuyên gia về sơn mài của hội họa Việt Nam thời Đổi Mới. Những nét tinh tế, thâm trầm của chất sơn trong các bình phong, câu đối, tượng sơn thếp, nội thất cổ nơi đình, chùa là những gợi ý và ảnh hưởng sâu sắc tới họa sỹ để rồi được chắt lọc, chuyển hóa sang những tác phẩm sơn mài hiện đại.
Là họa sỹ đầu tiên đưa những hình ảnh ông hoàng, bà chúa vào hội họa, Bùi Hữu Hùng không chỉ khai thác về những yếu tố văn hóa cổ như quần áo, trang sức, motif hoa văn, mà ông còn hình thành nên một thế giới quan đầy riêng biệt. Trong một không gian trầm mặc, những con người trong trang phục cung đình đứng hoặc ngồi giữa các đồ vật cổ sơ, như những hình ảnh hư ảo từ quá khứ, vừa hiện hữu vừa mơ hồ. Bức tranh là những câu hỏi đầy nhân sinh và hoài niệm được sáng tạo bởi thế giới tinh thần bí ẩn của người nghệ sỹ.
Bùi Hữu Hùng sinh năm 1957 tại Hà Nội, tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, là thành viên của Hiệp hội họa sỹ Sơn mài Quốc tế. Sáng tác của ông được trưng bày tại nhiều nơi trên thế giới như London, Norway, New York, Bulgaria, Poland, Belgium và Việt Nam.
Cô gái Bắc kỳ - sơn mài trên vải, kt 120x120. Một trong những sáng tác đời đầu của Hs.
Cô gái Bắc kỳ - Sơn mài trên vóc.
Ông Bùi Hữu Hùng, trước khi làm họa sĩ đã là một người thạo đường thạo lối kỹ thuật sơn mài n hờnhững tháng ngày làm thợ giỏi. “Nhiều họa sĩ giỏi về kỹ thuật vẽ sơn mài nhưng một người vừa là nghệ sĩ vừa có thể làm sơn mài như một người thợ giỏi thì ở Việt Nam chỉ duy nhất anh Hùng. Trước khi làm họa sĩ anh ấy học Trường Mỹ nghệ Việt Nam (giờ không còn nữa) và học được với rất nhiều người thợ giỏi về kỹ thuật sơn mài. Vì thế các kỹ thuật sơn mài anh ấy nắm trong lòng bàn tay. Đấy là phần khác biệt của anh ấy”, Hs Đinh Công Đạt chia sẻ.
Một trong những tác phẩm " Cổ Đồ " đẹp của Hs.
Họa sĩ Bùi Hữu Hùng vẽ nhiều thiếu nữ, nhưng đó không phải là những nhân vật cụ thể. Đúng hơn đó chỉ là hình dung về đời sống xưa như nó đã từng. Ông cũng vẽ những chi tiết đời sống khác như lồng chim, những chuỗi hạt, dấu triện xưa, chiếc quạt, lư hương, bàn thờ… Có tác phẩm ông gần như chỉ thể hiện một mảng màu lớn vàng vừa có sắc óng vừa sâu xuống như đã trải qua nhiều năm. Nhưng ngay cả sự trống trải đó trên tranh cũng tạo cảm giác nhớ nhung quá vãng.
Chân Dung Vua Khải Định.
Chân Dung Vua Bảo Đại Lúc Trẻ.
Màu của tranh Bùi Hữu Hùng khá kiệm dù ông có thể vẽ lên những sắc màu rất lạ, rất ít khi có trên tranh sơn mài. Thẩm mỹ này của ông định hình khá sớm và cũng giữ ổn định hàng chục năm nay. Cho dù không bao giờ nói đến không gian, thời gian mà mình đeo đuổi tái hiện, các tác phẩm của ông thường gợi nhớ những năm 1930. Đó gần như là những vàng son cuối cùng của thời kỳ phong kiến.
Hiện tại tranh của Hs Bùi Hữu Hùng đang được triển lãm với chủ đề “The Asian Mystique – Châu Á bí ẩn” quy tụ các hoạ sĩ nổi tiếng của nền hội hoạ Việt Nam và nghệ thuật gốm truyền thống của đất Nam bộ xưa được tổ chức trong không gian Lụa Là Artspace & Gallery những ngày cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên Đán sắp tới. Nhiều thế hệ khác nhau, nhiều trường phái khác nhau với những quan điểm và khuynh hướng sáng tác khác nhau đã tập hợp lại tạo thành “bữa tiệc” mỹ thuật nhiều màu sắc…
LỤA LÀ ARTSPACE & GALLERY
189C/4 Nguyen Van Huong St - Ward ThaoDien - District2. 0916170970.
Comments