top of page

Le Dinh Quy. B1940

bae52ac2_HSQK_edited.jpg

Tranh Lê Đình Quỳ có ảnh hưởng chất liệu và mảng miếng của mỹ thuật nước ngoài, phần lớn là tranh kén người xem; nhiều bức tranh trừu tượng miêu tả khái quát, chủ yếu để cho người xem tự thưởng thức theo cảm nhận riêng của mỗi người. Càng xem, càng ngẫm nghĩ, càng thấy sự thâm thúy, kiêu sa trong từng nét vẽ. Xem tranh của Lê Đình Quỳ, người xem phải có kiến thức, hiểu biết nhiều về văn hóa trong nước và thế giới mới có những cảm khoái đặc biệt. Ông đã cho công chúng xem tranh của ông trong 6 cuộc triển lãm lớn ở các thành phố lớn. Đặc biệt cuộc triển lãm biển đảo ở Quảng Bình năm 2000, ông đã trình làng 100 bức tranh.

Lê Đình Quỳ được nhân dân gọi thân mật “Quái kiệt xứ Thanh” vì không những có nhiều tượng đài hoành tráng, có hàng trăm bức tranh mà ông còn là nhà thiên văn học - người giải mã “Bí ẩn văn hóa Việt cổ”.

Mọi người vô cùng sửng sốt khi biết Lê Đình Quỳ - một người chưa học thiên văn bao giờ mà dám công bố giả thuyết mới về nguồn gốc hệ mặt trời (1984) tại các hội thảo khoa học cấp Nhà nước, lại được các nhà khoa học thiên văn đón nhận và đánh giá cao. Năm 2004, công trình này đã được Nhà xuất bản Thông tấn xã ấn hành bằng hai thứ tiếng: Việt - Anh đã để lại tiếng vang lớn trong nước và quốc tế.

Ông có nhiều nghiên cứu và bài viết về trống đồng Ngọc Lũ, giải mã “Bí ẩn về pho tượng Phật chùa Bút Tháp”, đó là pho tượng Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt do Trương Thọ Nam tạc, hoàn thành năm 1656 thời Hậu Lê, nhiều bài viết giải mã về “Chạc gốm hình chân giò”...

Ông cho rằng pho tượng có thể được xem là một vũ trụ thu nhỏ, được sáng tác theo hệ thống quy luật rất chặt chẽ. Đó là những quy luật âm dương ngũ hành và bát quái bao hàm các cặp phạm trù đối lập nhưng thống nhất: Âm - Dương (thiện - ác, đỏ - đen, sáng - tối, trời - đất). Theo lý giải của Lê Đình Quỳ thì tượng Quan âm được làm theo thể tam tài giả, tức là mối quan hệ tổng hòa Thiên - Địa - Nhân. Khi nhìn vào tượng, vòng tròn phía sau được gắn gần một nghìn bàn tay; mỗi bàn tay được khắc một con mắt, đó là biểu tượng của trời. Đó chẳng phải là một vũ trụ thu nhỏ sao? Trong vũ trụ, cái thiện được biểu tượng ở thế “tam quang giả”, tức là ba nguồn sáng bao gồm: mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Có thể nói pho tượng Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay ở Chùa Bút Tháp chứa đựng nhiều ẩn nghĩa, triết lý sâu xa mà trong nghiên cứu, lý giải nó cho ta biết nhiều nét về quan điểm thẩm mỹ, nhân sinh quan và vũ trụ quan trong mỗi người Việt thời Hậu Lê nửa sau thế kỷ 17. Những giải mã này, anh đã cho ra nhiều bài viết trình bày trong các hội thảo khoa học và vũ trụ được hàng trăm nhà khoa học vũ trụ trong nước và quốc tế, họ thừa nhận kiến thức uyên thâm của nhà điêu khắc, nhà thiên văn học.

Lê Đình Quỳ là một nghệ sĩ lớn, có những phẩm chất cao quý. Chúng ta cảm phục ông bởi sự đa tài, sức làm việc phi thường, với một khối lượng lớn tác phẩm để lại cho đời thật phong phú và đa dạng. Thành công của ông có sự đóng góp của người bạn đời là họa sĩ Lê Hiệp luôn bên cạnh động viên, chăm sóc. Chị cũng là một họa sĩ tài danh.

Hết một đời người dành cho nghệ thuật điêu khắc và hội họa, và nghiên cứu thiên văn học, Lê Đình Quỳ xứng đáng được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, được tặng danh hiệu “Trí thức Việt Nam tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh” và nhiều giải thưởng khác của chuyên ngành hội họa điêu khắc.

Nhưng giải thưởng lớn nhất vẫn là được nhân dân khắp các miền trong đất nước yêu mến, quý trọng gọi anh là “Quái kiệt xứ Thanh”.

Artworks

bottom of page