top of page

Hoàng Hồng Cẩm

1959 - 2011. 

hoanghongcam_edited.jpg

Dù sống cuộc đời không dài, thậm chí ngắn ngủi, nhưng họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm (1959-2011) đã để lại dấu ấn đậm nét của mình trong giới mỹ thuật Việt Nam.

Phong cách hội họa của anh từng ảnh hưởng tới một số họa sĩ lớp sau. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn ví, đó là “cậu Hoàng Bé” của mỹ thuật Việt, với tâm hồn mãi lành sạch như mặt hồ trong, như chồi vẫn biếc và lá vẫn xanh giữa ánh ngày…

Mới đây, gia đình cố họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm đã xuất bản cuốn sách để tưởng nhớ anh. Cuốn sách được in với số lượng rất hạn chế, chỉ để dành tặng những người thân quý với họa sĩ và gia đình. Chị Triệu Tú Vân, vợ họa sĩ đứng ra biên soạn cuốn sách với tựa đề giản dị “Hoàng Hồng Cẩm”. Chị chia sẻ, từ lâu đã muốn làm một cuốn sách tuyển chọn những tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm. Nhưng rất tiếc, tư liệu hình ảnh về các tác phẩm của anh không nhiều. Tuy vậy, rất may, cách đây ít lâu, trước khi qua đời, nhà nhiếp ảnh Đỗ Huy đã tặng lại gia đình chị Tú Vân chiếc đĩa trong đó có file ảnh chụp hàng trăm tác phẩm mà họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm sáng tác trong những năm 1990 cho đến trước khi mất (2011).

Ngoài hội họa, Hoàng Hồng Cẩm học được ở cha nhiều bài học về tình bạn. “Khi tôi vào học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (chuyên ngành Điêu khắc), có lần họa sĩ Bùi Xuân Phái đến nhà chơi, bác Phái xem những bức tranh sơn dầu đầu tiên của tôi vẽ và khen hai chữ: “Được đấy!”. Đợi bác Phái về, cha tôi mới nói với tôi: “Bác ấy đùa thôi, đừng vội mừng”. Tôi tự hiểu cha tôi muốn dạy tôi một bài học rằng: Không bao giờ được thỏa mãn trong sáng tạo. Cha thường bảo tôi rằng: Con phải vẽ thế nào để người xem thấy bức tranh như đang “nở” ra. Ghi tâm những điều cha dạy bảo, tôi dấn thân vào hội họa và nhận ra rằng, nghệ thuật là con đường riêng của mỗi người. Quan trọng nhất là mình không giống bất kỳ ai. Nghệ thuật không có con đường vòng, nó là con đường thẳng và nếu anh chấp nhận đi trên con đường ấy, anh phải trả giá”- ấy là lời tâm sự trong di cảo Hoàng Hồng Cẩm để lại.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn bảo, mỗi bức tranh của Hoàng Hồng Cẩm là một trạng thái của nỗi cô đơn toát ra từ màu, từ hình. Những con người, đa phần là đàn bà, mang vẻ mặt thuần hậu ngơ ngác đến mức lạc thời, lẻ loi trong khoảng không gian chập chờn nửa thực nửa hư, bên cạnh một con gà, con cá hay ngọn đèn. Tuồng như chúng hiện diện để tăng thêm nỗi cô đơn hơn để chia sẻ. Họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm thường vẽ những kẻ vô danh, bình dị, những kẻ mang trong mình nỗi niềm sâu kín, chẳng có nhu cầu phiền lụy tới ai, chỉ biết nhìn quanh quất đi đâu đó trong cái không gian mờ ảo của sự im lặng thiêng liêng. Bên cạnh cái cô đơn của người phụ nữ trẻ có một ngọn đèn già nua bình thản sáng, chẳng gắt gao, chẳng tìm kiếm, chỉ sáng, lặng lẽ như một đối chứng, một lời nhắc nhở. Đèn ấy vừa là đèn trời, vừa là đèn tâm, vừa là đèn tục. Chúng còn soi sáng mãi, vượt thời gian, vượt không gian, vượt qua thăng trầm thế cuộc chỉ để làm đúng với thiên chức của mình.

Những ai đã gặp Hoàng Hồng Cẩm, đều nhận ra ở anh một cá tính kỳ lạ. Cá tính ấy nhiều người thấy ngại. Nhưng khi đã gặp, đã thân, đã nhận ra sự cô đơn và trẻ thơ trong con người Hoàng Hồng Cẩm, người ta lại cảm thấy quý anh, thương anh. Cũng bởi thương yêu, quý trọng, bạn bè thân còn gọi anh với nhiều biệt danh: “Cẩm say”, “Cẩm điên”, “Cẩm quan họ”… Riêng chuyện say của anh cũng rất nhiều giai thoại. Dù Cẩm không phải là người uống nhiều, nhưng hay uống. Mà những người hay uống thì thường ăn rất ít. Người ngoài nhìn vào cứ như người đó đang tự hành hạ thân xác của mình.

Giờ đây, cầm trên tay cuốn sách để nhớ về Hoàng Hồng Cẩm sau 11 năm anh đi xa, ta vẫn gặp lại những tác phẩm của anh, với hình ảnh cây đèn dầu tựa như một logo, một biểu tượng của hội họa Hoàng Hồng Cẩm, được anh gửi gắm, cài đặt trong nhiều tác phẩm. Ngọn đèn dầu ấy vẫn tỏa ánh sáng lấp lánh, thậm chí rọi sáng một khoảng của mỹ thuật Việt.

Artworks

bottom of page